(Chinhphu.vn) - Với nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng cùng với các trường đang triển khai nhiều biện pháp để hạn chế thấp nhất sai sót trong kỳ thi.
Phản hồi tích cực trước kỳ thi Mặc dù chỉ nhận được thông tin về những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 qua truyền thông chứ chưa có văn bản chính thức, nhưng ngành Giáo dục Đà Nẵng đã đón nhận với nhiều phản ứng tích cực. Kỳ thi tốt nghiệp chỉ còn 4 môn đã giúp giảm áp lực số môn và giảm chi phí cho xã hội, nhà trường và phụ huynh. Việc đăng kí hai môn tự chọn sẽ tạo điều kiện cho học sinh thi các môn ưu thế nằm trong khối thi của mình, và là bước đệm thử sức hướng đến kỳ thi đại học cận kề. Vui mừng trước việc chỉ phải thi 4 môn, em Hoàng Hạ (học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú) đã ngầm lựa chọn môn Vật lý và Hóa học. Em cho biết: “Ngay từ khi nghe thông tin Bộ sẽ giảm tải bớt còn 4 môn và cho học sinh tự chọn 2 môn, em đã chú trọng ôn kĩ những môn mình định thi. Việc thi tốt nghiệp với em chỉ là bước đệm thi Đại học nên em rất sợ bị điểm liệt những môn mình không giỏi như tiếng Anh, ảnh hưởng đến việc thi Đại học”. Tuy nhiên, đối với các học sinh có mức học trung bình-yếu thì việc lựa chọn môn thi sẽ gặp khó khăn khi không xác định được nguyện vọng của mình. Chị Nguyễn Thị Phượng, có con đang học tại một Trung tâm Giáo dục thường xuyên, lo lắng trước việc con trai mình “lựa chọn ngẫu nhiên” môn thi khi sức học của cháu không khá. Chị mong được giáo viên hướng dẫn, định hướng cụ thể để con chị có thể đậu tốt nghiệp, sau đó hướng cháu vào học nghề cụ thể chứ không thi đại học. Lên kế hoạch chuẩn bị ngay từ bây giờ Chiều 28/2, Sở GDĐT Đà Nẵng tổ chức họp hiệu trưởng và tổ trưởng tổ bộ môn các trường THPT trên địa bàn Thành phố để triển khai các công việc. Trong đó, Sở yêu cầu các trường phải thực hiện đầy đủ, phong phú chương trình, không được phép cắt xén chương trình. Sau khi kết thúc chương trình thi học kỳ II, trên cơ sở đăng ký môn thi của các em, các trường sẽ biên chế lại lớp theo môn thi để ôn tập cho học sinh. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu các trường sẽ làm việc với giáo viên bộ môn, phụ huynh và học sinh để định hướng môn thi phù hợp với học lực của các thí sinh. Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có những hướng dẫn cụ thể về cáchthức chọn môn, thay đổi môn thi, qui chế thi, định hướng đề thi...; nhưng các trường trên địa bàn Đà Nẵng đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh từ sớm. Do 50% kết quả tốt nghiệp phụ thuộc vào học lực lớp 12 nên các trường có kế hoạch chấn chỉnh tâm lý chung của học sinh lẫn giáo viên bộ môn. Thầy Trần Văn Quang, Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh, cho hay ngay từ đầu học kỳ II, nhà trường đã triển khai việc chuẩn bị soạn đề cương ôn thi tốt nghiệp cho tất cả các môn. Dự kiến, đầu tháng 3, đề cương sẽ được tải lên website nhà trường và công bố tại lớp để học sinh tham khảo. Còn thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, lại cho rằng nếu như những năm trước, từ tháng 3, Bộ sẽ công bố các môn thi, tâm lý học sinh và giáo viên sẽ lơ là đối với các môn không được thi thì với việc thay đổi qui chế cho học sinh quyết định môn thi bắt đầu sớm từ tháng 2, sẽ hạn chế được tình trạng “bỏ rơi” bất kì môn nào trong 6 môn tự chọn. Trường không tổ chức phụ đạo đại trà mà chỉ chú trọng vào các học sinh có học lực kém ở từng môn. Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, sau khi kiểm tra học kỳ, Sở sẽ yêu cầu các trường khẩn trương tổng kết điểm, đánh giá trung thực học lực của học sinh. Năm nay, Đà Nẵng sẽ thành lập nhiều đoàn kiểm tra chéo các trường, hạn chế tình trạng phúc khảo bài thi, điều chỉnh, thay đổi điểm số; nhầm lẫn trong công tác tổng kết điểm. Đây còn là biện pháp tránh tình trạng chạy đua thành tích giữa các trường trên địa bàn. Được biết, theo qui định mới của Bộ GDĐT, kết quả học tập, rèn luyện lớp 12 sẽ chiếm 50% kết quả xét loại tốt nghiệp. Hồng Hạnh |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét